(dành cho các bạn ban A muốn theo ngành khoa học xã hội nhân văn)

Đây không phải một bài viết mang tính chất học thuật.

Câu chuyện bắt đầu từ khi giảng viên của chúng tôi kể về Foucault (Fu – cô) và đóng góp của ông về diễn ngôn trong các lý thuyết truyền thông hiện đại.
Là một học sinh chuyên Lý thời cấp 3, tôi nhớ mình có nghe mang máng về cái tên Foucault. Lục lại trong trí óc, tôi nhớ đây là tên của một nhà vật lý học người Pháp, người tìm ra dòng điện Foucault nổi tiếng mà chúng tôi được học năm lớp 11.
Tôi từng đọc về tiểu sử của Leon Foucault – nhà vật lý học – và không hề nhớ ông có thành tựu gì về triết học hay truyền thông hiện đại hay không. “Dòng điện Foucault là hiện tượng dòng điện sinh ra khi ta đặt một vật dẫn điện vào trong một từ trường biến đổi theo thời gian hay vật dẫn chuyển động cắt ngang từ trường”. Đây rõ ràng là một sự diễn giải về hiện tượng vật lý chứ chẳng liên quan gì đến triết học?
Về sau, tôi có tra google và biết có hai nhà khoa học cùng mang cái tên này: Leon Foucault – nhà vật lý học, và Michel Foucault – nhà triết học hiện đại. Michel Foucault là người đặt nền móng cho khái niệm Diễn ngôn (Discourse). Tên tuổi của ông gắn liền với những công trình phê phán thể chế xã hội, các khoa học nhân văn, hệ thống nhà tù, … (The Order of Things, Discipline and Punish, The History of Sexuality, …)
Nói đến đây thì đã rõ, 2 Foucault này không liên quan gì đến nhau ngoài sự tương đồng về cái tên và quốc tịch (Pháp). Nhận ra một điều tưởng chừng như hiển nhiên, nhưng sự thật là quãng đường từ Foucault của trường cấp 3 cho đến Foucault của giảng đường đại học là cú sốc chóng vánh thứ nhì trong đời tôi (bên cạnh việc đỗ một trường chuyên).
Như đã nói, tôi từng là một học sinh chuyên Lý, như thế không có nghĩa là cả cấp 3 tôi chỉ biết mỗi Lý. Sự thật là, càng về sau tôi càng học Lý kém đi, nhưng không phải là từ một học sinh nghiền hết chương trình Lý chuyên trong 3 năm và có kỹ năng bấm Casio đủ dùng đến một sinh viên trường nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn (Báo chí), tầm chương trích cú gần như toàn thời gian và hầu hết học theo kiểu thuộc lòng, không thấy sốc.
Ở Chu Văn An, chúng tôi biết thứ gì là đúng, thứ gì là sai khi bấm máy tính nghiệm không ra lẻ thì ở Nhân văn, tôi được dạy không có cái gì là đúng, sai tuyệt đối, vì vậy phải đọc càng nhiều sách càng tốt để tích lũy một “trường kiến thức” đủ cho lĩnh vực mình chọn.
Khi lựa chọn nguyện vọng đại học, nhiều người nói tôi là điển hình của việc học trái ngành, làm trái nghề, nhưng sau một khoảng thời gian học, tôi có thể tự tin nói đây là một nhận định sai. Quá trình tôi tiếp cận với các môn xã hội nhân văn ở đại học gần giống cách tôi tiếp cận với Vật Lý ở cấp 3.
Học chuyên tự nhiên, ta thấy tính liên kết giữa các đại lượng vật lý, hóa học, toán học là vô cùng chặt chẽ và có tính chính xác cao. Nói cách khác, mọi thứ ta được học đều có một sự liên quan với nhau, dù lớn hay nhỏ. Năm lớp 10, ta học về những đại lượng cơ bản của vật lý: vận tốc, gia tốc, thời gian, li độ, tiếp cận với những loại lực, năng lượng, các định luật bảo toàn, … những đơn vị kiến thức cơ bản nhất mà phải có chúng, ta mới có thể tiến sâu hơn vào khu rừng này. Lên lớp 11, ta được học về những thứ trừu tượng hơn mà cảm giác của con người không đủ nhạy bén để nắm bắt được như điện, điện từ hay các lý thuyết về quang học. Chương trình lớp 12 giống như một sự kết nối mọi thứ ta đã được học và đẩy nó lên một trình độ phức tạp hơn: Điều gì sẽ xảy ra khi chúng dao động? Dao động cơ học, sóng cơ học là gì, dòng điện xoay chiều và dao động điện từ là như thế nào? Và khi tiến đến phân tích hiện tượng ở góc độ vi mô hơn như các loại hạt, ta cũng tự hỏi những quy luật của chúng: vì sao các dải sáng lại có màu khác nhau? Các loại phản ứng nhiệt hạch, phân hạch, … xảy ra như thế nào? Thuyết tương đối cố gắng giải thích điều gì?
Khi thực sự học với một niềm đam mê, bạn mới thấy mọi hiện tượng và lý thuyết vật lý đều liên quan đến nhau, và khi nhìn vào một phương trình trông có vẻ phức tạp năm lớp 12, bạn có thể thấy mình đã sử dụng hầu hết các đơn vị mình được học trước đây. Nếu như đơn thuần chỉ thuộc lòng tất cả các công thức cấp 3 một cách riêng lẻ, khả năng cao là bạn vẫn có điểm đại học không kém những đứa đam mê thực thụ, nhưng bạn sẽ không bao giờ cảm thấy sướng khi học nếu như không nhìn thấy sợi dây vô hình kết nối những gì bạn học lại với nhau.
Tương tự khi học các môn khoa học xã hội nhân văn, bạn cũng sẽ nhận ra Triết học, Tâm lý học, Xã hội học, Nhân học, Văn học và Lịch sử, không thứ gì có thể đứng tách khỏi nhau. Đọc nhiều về triết học, bạn sẽ thấy đôi lúc các triết gia cùng cố diễn tả một thứ, hoặc những “thứ” của họ có điểm chung, hoặc họ đang phủ định lẫn nhau. Một hệ thống kinh tế và tinh thần của nó, thứ gì sinh ra trước, con người được điều khiển bằng phần ý thức hay phần vô thức, tư tưởng của Marx, Freud và Weber có thực sự mâu thuẫn nhau hay không, Nietzsche và Dostoyevsky ảnh hưởng như thế nào đến Foucault và Foucault thì ảnh hưởng thế nào đến Barthes và Said, …?
Điều khoa học xã hội khác ở khoa học tự nhiên là mới đầu tiếp cận, ta không thể thấy được sự liên kết logic của các yếu tố được nhắc đến. Đôi lúc ta thấy chúng có nhiều lỗ hổng ở giữa và thử tự mày mò lập luận lấp đầy khoảng trống ấy như một nhà khoa học, rồi cũng tự nhận ra luôn là mình vừa thao tác giống một ai đó trước đây, tệ hơn, điều bạn làm không có ý nghĩa gì mấy, song bạn hiểu vấn đề một cách sâu sắc hơn. Nhờ việc tìm hiểu những sợi dây vô hình như Vật Lý, việc tìm tòi và sáng tạo của bạn trở nên thú vị hơn bao giờ hết.
Cách đây hơn 2 năm, chị Vy – một người giúp tôi vô cùng nhiều trong quá trình trưởng thành – nói: Vật lý là bộ môn gần gũi với Triết học hơn cả Văn học. Càng lớn lên và suy ngẫm, tôi càng nhận thấy điều chị nói là đúng. Chính xác hơn, mọi hoạt động tìm tòi và khám phá trên cuộc đời này đều giống nhau: một nhà Triết học và một nhà Vật lý học đều cố diễn giải sự vận động của thế giới này theo cách của mình. Bản nguyên đầu tiên của vũ trụ là vật chất hay ý thức (Triết), vũ trụ bắt đầu từ vụ nổ Big Bang hay từ bàn tay của Chúa (Vật lý). Chúng ta khai phá thế giới mình sống như thế nào?
Đặt tên cho mọi thứ và đo đạc mọi thứ.
Ồ, giờ thì mọi thứ đều có nghĩa.
Việc tìm hiểu rộng và sâu một phần nào đó, mặt khác, gây khó dễ lên đời sống riêng tư của tôi. Có bao giờ bạn tranh luận với một ai đó bằng hệ thống luận điểm, luận cứ và dẫn chứng từ những vĩ nhân đi trước mà bạn cho là đủ chính xác để vin vào, còn đối phương của bạn là “những cái đầu mơ mộng”, vẽ ra đủ thứ và chỉ giải thích theo kiểu “Tôi cảm thấy những điều tôi nói là đúng?”. Bạn cảm thấy mình không nói cùng ngôn ngữ với những người khác, đấy mới chỉ là bước đầu tiên.
Ở bước hai, bạn gần như không dám bày tỏ quan điểm cá nhân, vì bạn sợ rằng những gì bạn nói đều có thể sai, hoặc đã có ai đó nói điều này trước bạn, hoặc một ý nào đó, nếu như chưa được sách hoặc tài liệu nhắc đến, nó có thể chẳng có ý nghĩa gì. Guồng xoáy của những cái mác khiến bạn không ngu đi, nhưng cũng tự giới hạn sự sáng tạo của mình.
Bước ba, bạn không bao giờ có cảm giác thỏa mãn, bạn luôn đặt câu hỏi, luôn cảm thấy khó chịu và bất mãn vì những gì diễn ra xung quanh mình.
Bước cuối cùng là trầm cảm và chết.
Trải qua 3 bước đầu tiên là trải nghiệm năm nhất đại học của tôi. Chống chọi với những thứ nhộn nhạo diễn ra bên trong bộ óc của mình, đồng thời phải “đu” mình với những bon chen của cuộc sống, quả thực không dễ dàng gì. Trả lời được những câu hỏi “tại sao” của ngành học, của cuộc đời không phải bao giờ cũng khiến bạn hạnh phúc hơn. Tôi học cùng nhiều bạn bè có bắt đầu tương tự: là học sinh ban A nhảy sang học một trường nghiên cứu khoa học xã hội. Nhiều trong số họ vứt quách đi chữ “nghiên cứu” và bắt đầu học nghề: làm thế nào để viết tin bài đúng, làm thế nào để cầm một cái máy ảnh, làm thế nào để dùng Premiere Pro, …
“Hãy học một cách có chọn lọc thôi!” là điều mà nhiều người lớn nói với tôi. Họ cho rằng để trở nên có ích, một cách đại khái là thử làm một thứ gì khác mang tính thực hành trong cuộc sống thay vì đọc sách và làm bài tập về nhà. Nhiều bạn tuyệt nhiên bỏ tất cả mọi thứ được cho là “hàn lâm” để trở thành một người làm nghề lão luyện. Có thể họ đã học và thi như loại người học Lý thứ 2 tôi đã kể, hoặc cấp 3 đối với họ là quá đủ…
Tôi chỉ dành một nửa thời gian của mình tham gia hoạt động xã hội và đi làm thêm, nửa còn lại tôi vẫn dành để đọc sách và bàn trà đúng nghĩa một sinh viên nghiên cứu. Nhiều người nói những gì tôi đọc ngày càng trở nên lỗi thời và chẳng giúp gì cho nghề nghiệp tương lai, nhưng tôi không từ bỏ, bởi lẽ càng hiểu hơn về thế giới xung quanh, tôi càng hiểu nhiệm vụ của những người tự nhận mình thuộc ngành báo chí là cố gắng đặt 2 thứ ngẫu nhiên bên cạnh nhau và làm cho nó có nghĩa. Diễn giải theo cách khác, báo chí giống như thứ chất kết dính mọi thứ trên đời này lại với nhau.
Học. Học nữa, Học mãi. Ban đầu là để tìm ra phương án cho câu hỏi muôn đời “Tôi là ai?”, nhưng điều quan trọng mà tri thức mang đến cho con người, đấy là trả lời câu hỏi: “Tôi là ai bên trong tập thể?”, “Tôi là ai bên trong mắt người khác?”.
Học để làm gì? Có lẽ điều quan trọng không phải tự biến mình trở thành một cái máy kiếm tiền, học phải để tìm kiếm niềm vui, cho dù bạn là một học sinh chuyên Lý, hay một sinh viên ngành báo chí đi chăng nữa. “Học trái ngành” không phải một cú sốc như tôi nghĩ vì điều cốt yếu là sự đam mê học tập không bị mất đi, khi việc học vẫn như một đoạn mạch không bị đứt quãng.
Cho đến ngày hôm nay, 90% những gì liên quan đến dòng điện Foucault không còn trong trí nhớ của tôi, nhưng tôi luôn nhận thức rằng dù có học ở đâu đi chăng nữa thì khoảng thời gian học chuyên lý cũng không bao giờ là vô nghĩa.
 Vũ Hoàng Long